Tôn giáo hay đạo, đôi khi đồng nghĩa với tín ngưỡng, thường được định nghĩa là niềm tin vào những gì siêu nhiên, thiêng liêng hay thần thánh, cũng như những đạo lý, lễ nghi, tục lệ và tổ chức liên quan đến niềm tin đó. Những ý niệm cơ bản về tôn giáo chia thế giới thành hai phần: thiêng liêng và trần tục[1]. Trần tục là những gì bình thường trong cuộc sống con người, còn thiêng liêng là cái siêu nhiên, thần thánh. Đứng trước sự thiêng liêng, con người sử dụng lễ nghi để bày tỏ sự tôn kính, sùng bái và đó chính là cơ sở của tôn giáo. Trong nghĩa tổng quát nhất, có quan điểm đã định nghĩa tôn giáo là kết quả của tất cả các câu trả lời để giải thích nguồn gốc, quan hệ giữa nhân loại và vũ trụ; những câu hỏi về mục đích, ý nghĩa cuối cùng của sự tồn tại. Chính vì thế những tư tưởng tôn giáo thường mang tính triết học. Số tôn giáo được hình thành từ xưa đến nay được xem là vô số, có nhiều hình thức trong những nền văn hóa và quan điểm cá nhân khác nhau. Tuy thế, ngày nay trên thế giới chỉ có một số tôn giáo lớn được nhiều người theo hơn những tôn giáo khác.
Đôi khi từ "tôn giáo" cũng có thể được dùng để chỉ đến những cái gọi đúng hơn là "tổ chức tôn giáo" – một tổ chức gồm nhiều cá nhân ủng hộ việc thờ phụng, thường có tư cách pháp nhân.
Lưu ý:
+ Cái mà loài người gọi là "tôn giáo" hay được nhận thức là "tôn giáo" có thể không đồng nhất với những định nghĩa trên đây trong niềm tin tối hậu nơi mỗi tôn giáo (tức là khi một tín hữu theo một tôn giáo nào đó, họ không có cái gọi là ý niệm "tôn giáo" nơi tôn giáo của họ, tôn giáo chỉ là một cách suy niệm của những người không có tôn giáo bao phủ lấy thực tại nơi những người có tôn giáo).
+ Hiện tượng "Tôn giáo" cho đến ngày nay vẫn còn là một điều bí ẩn nơi loài người.
Định nghĩa
Ngoài nghĩa rộng về tôn giáo trên, có nhiều cách sử dụng cũng như nhiều nghĩa của từ "tôn giáo." Một số lối giải thích như sau:
* Một cách định nghĩa, đôi khi được gọi là "lối theo chức năng", định nghĩa tôn giáo là bất cứ hệ thống tín ngưỡng và phong tục nào có chức năng đề cập đến những câu hỏi căn bản về đặc tính loài người, đạo đức, sự chết và sự tồn tại của thần thánh (nếu có). Định nghĩa rộng ngày bao gồm mọi hệ thống tín ngưỡng, kể cả những hệ thống không tin tưởng vào thần thánh nào, những hệ thống đơn thần, những hệ thống đa thần và những hệ thống không đề cập đến vấn đề này vì không có chứng cớ.
* Cách định nghĩa thứ hai, đôi khi được gọi là "lối theo hình thể", định nghĩa tôn giáo là bất cứ hệ thống tín ngưỡng nào xác nhận những điều không thể quan sát một cách khoa học được, và chỉ dựa vào chức trách hay kinh nghiệm với thần thánh. Nghĩa này hẹp hơn phân biệt "tôn giáo" với chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa nhân bản thế tục, thuyết vô thần, triết khách quan và thuyết bất khả tri, vì những hệ thống này không dựa vào chức trách hay kinh nghiệm nhưng dựa vào cách hiểu theo khoa học.
* Cách định nghĩa thứ ba, đôi khi được gọi là "lối theo chứng cớ vật chất", định nghĩa tôn giáo là những tín ngưỡng về nhân quả mà Occam's Razor loại trừ vì chúng chấp nhận những nguyên nhân quá phức tạp để giải thích những chứng cớ vật chất. Theo nghĩa này, những hệ thống không phải là tôn giáo là những hệ thống không tin tưởng vào những nguyên nhân phức tạp hơn cần thiết để giải thích những chứng cớ vật chất. Những người theo quan điểm này tự xưng là "bất tôn giáo", nhưng cũng có người tôn giáo nhìn nhận rằng "tín ngưỡng" và "khoa học" là hai cách hoàn toàn khác nhau để đi đến chân lý. Quan điểm này bị bác bỏ bởi những người xem rằng những giải thích siêu hình là cần thiết để giải thích các hiện tượng tự nhiên một cách căn bản.
* Cách định nghĩa thứ tư, đôi khi được gọi là "lối tổ chức", định nghĩa tôn giáo là các hội đoàn, tín ngưỡng, tổ chức, phong tục, và luật đạo đức chính thức của tất cả các tôn giáo chính có tổ chức. Nghĩa này đặt "tôn giáo" vào một vị trí trái ngược với "tinh thần", cho nên không bao gồm những luận điệu của "tinh thần" về việc tiếp xúc, phục vụ, hay tôn thờ thần thánh. Tuy nhiên, trong nghĩa này tôn giáo và tinh thần không cần phải "được cái này mất cái kia": một người sùng đạo có thể có tinh thần hay không tinh thần, và một người có tinh thần có thể có hay không sùng đạo. Theo tương tự, ta có thể xem "tôn giáo" như là than, củi, hay xăng, và "tinh thần" là ngọn lửa..
Tôn giáo trong lịch sử
* Nếu không kể những chứng tích khảo cổ học cho thấy niềm tin tôn giáo về cuộc sống sau khi chết có từ rất xa xưa, khi mà người ta chôn đồ tùy táng cùng với người chết thì ít nhất cách đây 40.000 năm, tổ tiên con người đã có niềm tin tôn giáo và tham gia các nghi lễ tôn giáo.[2] Trong các xã hội săn bắn và hái lượm, phổ biến là thuyết vật linh, cho rằng vật thể trong thế giới tự nhiên được phú cho nhận thức và tác động đến đời sống con người. Biển cả, núi cao, gió và thậm chí cả cây cối...cũng có thể được coi là những thế lực có tính chất thần thánh sinh ra và chi phối đời sống con người. Xã hội săn bắn, hái lượm có tổ chức chưa phức tạp nên đời sống tôn giáo chủ yếu tồn tại trong gia đình. Địa vị pháp sư (shaman) có thể được trao cho một người như là lãnh tụ tôn giáo nhưng hoạt động này không phải chiếm toàn bộ thời gian của người đó.
* Sang đến giai đoạn xã hội trồng trọt và chăn nuôi, niềm tin thần thánh là nguyên nhân hình thành thế giới dần dần được phát triển. Một hệ thống văn hóa đạo đức được ủng hộ bằng việc công nhận thần thánh đồng thời tôn giáo vượt qua khỏi phạm vi gia đình và thường gắn chặt với chính trị, lãnh tụ xã hội thường được xem là vua và tăng lữ như các Pharaoh Ai Cập.
* Trước Cách mạng Công nghiệp, tôn giáo đã rất phát triển và là thể chế xã hội vô cùng quan trọng ở khắp các lục địa. Đây cũng là lúc các tôn giáo có nhiều xung đột với nhau: Kitô giáo với Hồi giáo qua nhiều cuộc Thập tự chinh; Ấn Độ giáo xung đột với Phật giáo và về cơ bản đã loại trừ tôn giáo này ra khỏi miền đất phát tích của nó vào thế kỷ 13; người Hồi giáo chinh phục và truyền bá tôn giáo của mình đến những vùng khác...
* Từ khi Cách mạng Công nghiệp nổ ra, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã khiến cho ảnh hưởng của tôn giáo không còn mạnh mẽ như trước, tôn giáo dần bị tách rời khỏi nhà nước. Trong đời sống xã hội, khoa học cũng dần thay thế cho tôn giáo, chẳng hạn một người khi gặp bệnh tật tìm đến bác sỹ nhiều hơn là tu sỹ. Tuy vậy, thậm chí ngay cả cho đến nay, nhiều phong trào tôn giáo mới vẫn tiếp tục phát triển.
Những khái niệm được tôn giáo đề cập
Những tôn giáo là những hệ thống tín ngưỡng thường tìm câu trả lời cho những khái niệm sau:
* Thượng đế - Siêu việt tính hay bản chất của tồn tại (hoặc cái được loài người nhận thức là tồn tại) trong mối tương quan với con người;
* Con người;
* Tạo hóa, những tín ngưỡng về nguồn gốc của vũ trụ, Trái Đất, sự sống, và nhân loại;
* Thần thánh, những tín ngưỡng về sự tồn tại (hay không tồn tại) và bản chất của thần thánh (hay Ông Trời), những gì linh thiêng hay siêu phàm;
* Những tín ngưỡng về cách liên lạc với thần thánh, vật linh thiêng, những người khác, loài vật, thế giới tự nhiên xung quanh ta và với chúng ta;
* Những tín ngưỡng về bản chất đạo lý và đạo đức, như đạo đức khách quan và đạo đức tương đối;
* Những cách để nhận dạng và ca tụng những kinh nghiệm giá trị;
* Việc tìm ra trọn vẹn về lĩnh vực nhu cầu và thèm muốn;
* Sự tìm ra mục đích của sự sống, và nhận dạng các mục tiêu trong đời;
* Tìm ra một cơ cấu đạo lý, và định nghĩa những hành vi "thiện" (tốt) và "ác" (xấu);
* Những tín ngưỡng về những trạng thái tồn tại khác như thiên đàng, địa ngục, hay Niết bàn và cách chuẩn bị vào những cõi này;
* Những giải thích và sự hiểu biết về điều ác và đau khổ, và viết về thiện ác.
Thông thường, những tôn giáo khác nhau và những phe không tôn giáo đều có câu trả lời khác nhau về các khái niệm trên, và nhiều tôn giáo có nhiều trả lời cho mỗi khái niệm.
Tục lệ tôn giáo
Những phong tục dựa vào tín ngưỡng tôn giáo thường gồm có:
* Cầu nguyện
* Thờ phụng
* Họp mặt thường lệ với những người khác đồng tôn giáo
* Viên chức tôn giáo để lãnh đạo hay giúp đỡ những tín đồ, như nhà tu, mục sư, tăng lữ...
* Nghi lễ và phong tục đặc biệt trong tín ngưỡng
* Cách giữ gìn niềm tin vào những điều răn trong kinh sách và những tục lệ của tôn giáo đó
* Luật lệ ứng xử ngoài đời phù hợp với tín ngưỡng (đạo lý), như Mười điều răn trong Cựu Ước, đặt ra từ tín ngưỡng chứ không phải do tín ngưỡng định nghĩa, và đạo lý thường được tôn trọng đến địa vị giáo luật (luật pháp) và được các tín đồ thi hành
* Việc duy trì và học tập những kinh sách ghi chép những tín ngưỡng cơ bản của tôn giáo.
Những tín đồ của một tôn giáo thường họp mặt để làm lễ, đọc hay tụng kinh, cầu nguyện, thờ phụng, và giúp đỡ tinh thần lẫn nhau. Tuy nhiên, cầu nguyện và ngồi thiền một mình cũng thường được xem là quan trọng, cũng như sống theo tín ngưỡng ngoài đời hay với những người không theo đạo đó. Đây thường là một chức năng của tôn giáo đó.
Tín ngưỡng tôn giáo
Tín ngưỡng tôn giáo là niềm tin và sự sùng bái thần thánh hay các quyền lực vô biên, siêu nhiên, vào cuộc sống sau khi chết..., tóm lại, là những phát biểu mà vì đó các thành viên của một tôn giáo nào đó gắn bó vào đó.[3] Câu chuyện về Adam và Eva là một ví dụ về tín ngưỡng tôn giáo. Tín ngưỡng thường phát sinh khi một lãnh tụ tinh thần khẳng định một số hiểu biết đặc biệt về chân lý thần thánh và tổ chức tín đồ của mình. Cũng có quan điểm cho rằng, tíng ngưỡng tôn giáo là hoạt động tôn giáo ít hay không có điểm chung với các tổ chức tôn giáo khác trong một xã hội cụ thể.[4] Theo quan điểm này thì tín ngưỡng là một cái gì đó hoàn toàn mới, nó có thể là kết quả của sự truyền bá quan điểm tôn giáo từ một xã hội này sang một xã hội khác, nơi mà nó chưa từng có tiền lệ. Do vậy khi mới hình thành, tín ngưỡng thường chưa được chính thức hóa và hay có mâu thuẫn với xã hội, nếu tiếp tục phát triển, tín ngưỡng sẽ trở nên có tổ chức, nghi lễ chặt chẽ hơn và có thể trở thành tôn giáo. Tuy nhiên tín ngưỡng tôn giáo không phải là các giáo phái, giáo phái là những nhóm ly khai với giáo hội hay tổ chức tôn giáo truyền thống của nó còn tín ngưỡng thì hoàn toàn mới.
Vai trò của tôn giáo trong xã hội
Tôn giáo là một phổ quát văn hóa nên nó đóng vai trò quan trọng trong xã hội loài người. Các nhà xã hội học, dù là duy chức năng hay duy xung đột đều nhất trí rằng tôn giáo là một định chế xã hội và có các chức năng chính sau:
* Chức năng tích hợp xã hội hay còn gọi là kết hợp xã hội: tôn giáo có các giá trị, tiêu chuẩn của nó, vì thế những người có cùng một tôn giáo gắn bó với nhau hơn nhờ những giá trị và tiêu chuẩn chung ấy. Từ xã hội nguyên thủy, những thành viên của xã hội đã có chung một vật tổ - biểu hiện hữu hình của sự gắn kết. Ngày nay, tất cả những đồng tiền giấy của nước Mỹ đều in dòng chữ: Chúng con tin tưởng tuyệt đối vào Chúa hàm ý sự đoàn kết tập thể dự trên niềm tin. Tôn giáo, dẫu đó là Phật giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo hay Do Thái giáo, cũng đều cung cấp cho người ta ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống của họ. Nó mang đến cho họ những giá trị tối hậu và những cùng đích nào đó để giữ họ chung lại với nhau.[5]. Trong những thời điểm khủng hoảng hay hỗn loạn, tôn giáo cũng giúp cho con người gắn bó với nhau hơn. Tuy vậy, tôn giáo không phải là định chế xã hội duy nhất có chức năng tích hợp, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc...cũng là chất keo gắn kết những thành viên của một xã hội. Mặt khác, cũng có khi sự "rối loạn chức năng" xảy ra, đó là lúc tôn giáo góp phần vào sự căng thẳng, thậm chí xung đột giữa các nhóm hoặc giữa các quốc gia với nhau. Thời Trung Cổ, niềm tin tôn giáo thúc đẩy tín đồ Cơ Đốc châu Âu tổ chức thành những đạo quân Thập tự chống lại tín đồ Hồi giáo phương Đông. Ngày nay, mâu thuẫn giữa các tín đồ Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo cũng góp phần vào sự bất ổn định chính trị của khu vực Trung Đông hay căng thẳng giữa các tín đồ Tin Lành với Thiên Chúa giáo ở Bắc Ireland; giữa các tín đồ Ấn Độ giáo với đạo Sikh ở Ấn Độ...
* Chức năng kiểm soát xã hội: theo quan điểm duy xung đột, đặc biệt là của Karl Marx, tôn giáo ngăn cản sự biến đổi xã hội bằng cách khuyến khích những người bị áp bức vào các quan tâm ở thế giới khác, thay vì vào sự đói nghèo, hay sự bóc lột đang hiện diện. Tôn giáo góp phần kiện toàn các định chế và trật tự xã hội như một tổng thể, duy trì hiện trạng của xã hội, giữ nguyên cấu trúc bất bình đẳng của nó cũng như củng cố lợi ích của tầng lớp thống trị. Thiên Chúa giáo dạy con người sự vâng lời và như vậy rất có thể nó làm cho những người bị áp bức không chống lại; hay hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ định hình cấu trúc xã hội của đại đa số người theo Ấn Độ giáo; những người cầm quyền thường viện dẫn tôn giáo để thực hiện quyền kiểm soát xã hội... Về điều này, có thể tóm tắt trong câu nói nổi tiếng của Karl Marx: tôn giáo là thuốc phiện của nhân loại. Tóm lại, tôn giáo thúc đẩy tính tuân thủ xã hội và qua đó duy trì sự ổn định. Mặt khác, những nghiên cứu của Max Weber[6] về giáo phái Calvin của đạo Tin Lành đã dẫn đến kết luận tôn giáo có tác dụng thúc đẩy xã hội. Các cải cách của Tin Lành đã dẫn đến việc duy lý hóa xã hội, con người thay vì chấp nhận số mệnh và hướng về đời sống sau khi chết theo truyền thống, phải đạt tới cuộc sống thịnh vượng, phải phấn đấu để thành công bằng mọi nỗ lực để thực hiện hoạch định của Chúa[7]. Weber cho rằng chính vì thế chủ nghĩa tư bản hình thành vững chắc ở những nơi mà giáo phái Calvin phát triển mạnh, thậm chí còn gọi tinh thần của tôn giáo này là cốt tủy của chủ nghĩa tư bản.
Những người Hindu sẽ cảm thấy cuộc sống trở nên dễ dàng hơn sau khi tắm nuớc sông Hằng
* Chức năng hỗ trợ xã hội: dù ít hay nhiều, con người thường phải đối mặt với khó khăn, hiểm nguy, thất bại, thiên tai, bệnh tật,... cái chết của những người thân thuộc, yêu quý và cái chết của chính bản thân mình. Trong những lúc như thế, cuộc sống rất dễ bị tổn thương và trở nên vô nghĩa, niềm tin tôn giáo giúp cho con người khó bị rơi vào tuyệt vọng hơn. Một số tôn giáo còn cung cấp cho con người những biện pháp như cầu nguyện, cúng bái thần linh trong niềm tin rằng những việc làm như vậy sẽ giúp cải thiện tình hình. Trên góc độ khác, tôn giáo còn cho con người một cứu cánh trong bất hạnh đó là coi bất hạnh ấy là ý của đấng thiêng liêng và có một ý nghĩa nào đấy mà con người không nhận thức được. Trong nghĩa cơ bản, tôn giáo tạo ra phương tiện để giải quyết những vấn đề sau cùng: sống, chết mà không có lẽ phải thông thường nào có thể đưa ra lời giải đáp.[8] Tuy nhiên, công trình nghiên cứu của nhà xã hội học người Mỹ Peter Berger nêu rằng khi đối mặt với những đe dọa như tai họa hay cái chết, sức mạnh hỗ trợ của niềm tin thần thánh hay sự thiêng liêng giảm đi rất nhiều nếu con người xem thần thánh đơn thuần chủ yếu là công cụ để giải quyết bi kịch.
Tôn giáo trên thế giới hiện nay
Niềm tin và thực tiễn tôn giáo vô cùng đa dạng và có rất nhiều tôn giáo trên thế giới ngày nay, có tôn giáo chỉ hạn chế trong một vùng địa lý không lớn nhưng có những tôn giáo có thể gọi là tôn giáo thế giới với nhiều triệu tín đồ ở khắp nơi trên thế giới. Nói chung có khoảng 87 phần trăm dân số thế giới đang gắn bó với một tôn giáo nào đó; chỉ có khoảng 13 phần trăm là không tôn giáo.[9]
Các tôn giáo trên thế giới Tôn giáo Số lượng tín đồ Vùng lãnh thổ chủ yếu
Kitô giáo 2,1 tỷ Khắp thế giới, trừ Tây Phi, Bắc Phi, bán đảo Ả Rập và một phần của Trung Á, Đông Á, Đông Nam Á.
Hồi giáo 1,5 tỷ Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á, Nam Á, Tây Phi, Đông Phi, Tiểu Lục địa Ấn Độ, quần đảo Mã Lai, một phần lãnh thổ Nga, Trung Quốc.
Ấn Độ giáo 900 triệu Tiểu Lục địa Ấn Độ, Fiji, Guyana, Mauritus.
Phật giáo 1,2-1,7 tỉ Tiểu Lục địa Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Á, Đông Dương
Khổng giáo 150 triệu Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam
Do Thái giáo 14 triệu Israel, Mỹ, châu Âu
Tôn giáo dân gian Trung Quốc 394 triệu Trung Quốc
Tôn giáo của các bộ tộc 300 triệu Châu Á, Ấn Độ
Tôn giáo truyền thống Châu Phi 100 triệu Châu Phi, Châu Mỹ
Đạo Sikh 23 triệu Ấn Độ, Pakistan, Canada, Mỹ, Anh
Bahá'í giáo 7 triệu Tín đồ phân bố rải rác nhiều nơi trên thế giới
Đạo Jain 4,2 triệu Ấn Độ, Pakistan, Canada, Mỹ, Anh
Shintō 4 triệu Nhật Bản
Cao Đài 2 triệu Việt Nam
Lão giáo 400 triệu Trung Quốc, cộng đồng người Hoa hải ngoại
(Nguồn số liệu theo Adherents.com , riêng số lượng tín đồ Khổng giáo theo Macionis.)
Việc thống kê số liệu tín đồ của từng tôn giáo rất phức tạp và nhiều phương pháp khác nhau do đó các nguồn số liệu có thể cho kết quả khác nhau đáng kể, tuy vậy nó cung cấp cái nhìn tương đối về quy mô của các tôn giáo đặc biệt là trong tương quan với nhau.
Bản đồ phân bố các tôn giáo quan trọng trên thế giới
* Kitô giáo: với ba chi phái lớn của nó là Công giáo La Mã, Chính thống giáo Đông phương và Tin Lành là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất trên thế giới, khoảng 2,1 tỷ tín đồ chủ yếu ở Bắc Mỹ, Mỹ Latin, châu Âu và rải rác ở nhiều nơi khác trên thế giới. Kitô giáo bắt nguồn từ Do Thái giáo ở Trung Đông và do Jesus Christ sáng lập. Kitô giáo theo thuyết độc thần thể hiện ở quan điểm về Chúa ba ngôi: Đức Chúa Cha - Đấng Tạo hóa; Đức Chúa Con (Jesus Christ) - Đấng Chuộc tội và Đức Chúa Thánh thần - sự hiện diện của Chúa vào một tín đồ. Jesus Christ bị hành hình bằng cách đóng đinh trên cây thập tự, từ đó cây thập tự trở thành biểu tượng thiêng liêng của tín đồ Kitô giáo và. Theo niềm tin của tín đồ Kitô giáo, Chúa phục sinh là bằng chứng về việc Người là con Thiên Chúa, Người được phái đến để giải phóng xã hội loài người. Con người không chỉ là bề tôi của Chúa, kẻ được cứu rỗi mà là con của Chúa, do vậy con người có bổn phận noi gương Chúa trong tình yêu cuộc sống, tình yêu đồng loại, con người phải sống thánh thiện và đạt đến cuộc sống vĩnh hằng. Từ khi ra đời và trong giai đoạn đầu, Kitô giáo bị ngược đãi, đàn áp nhưng dần dần đã được truyền bá rộng rãi trên thế giới. Đây là một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới và là tôn giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nền văn minh phương Tây.
* Hồi giáo: là tôn giáo có số lượng tín đồ đông thứ hai trên thế giới với khoảng 1,5 tỷ tín đồ chủ yếu tập trung ở Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á và rải rác ở khắp nơi trên trái đất. Hồi giáo ra đời vào thế kỷ thứ 7, do Muhammad sáng lập. Muhammad là Đấng Tiên tri chứ không phải là thần thánh như Jesus Christ đối với người Kitô giáo, Ngài là Đấng tiên tri cuối cùng sau các Đấng tiên tri trước đó là Adam, Abraham, Moses và Jesus Christ. Vai trò của Muhammad là ghi lại lời của Thượng Đế và kinh Koran được các tín đồ coi là lời răn của Đấng Chí Tôn. Cũng giống Kitô giáo, Hồi giáo tin rằng có địa ngục, thiên đàng và ngày phán xét, mọi người có trách nhiệm giải thích trước Thượng Đế về những việc làm của mình trên trần thế. Tín đồ Hồi giáo cũng thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ đức tin, chống lại mọi đe dọa và trong một số trường hợp, giáo lý này của Hồi giáo được sử dụng để biện minh cho các cuộc Thánh chiến.[10]
* Ấn Độ giáo: được coi là tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới[11], bắt nguồn từ Ấn Độ khoảng 2500 năm trước Công nguyên. Khác với Kitô giáo và Hồi giáo, Ấn Độ giáo không liên kết với đời sống của một cá nhân nào, hay nói cách khác, không có người sáng lập. Qua hàng ngàn năm, Ấn Độ giáo và xã hội Ấn Độ với hệ thống đẳng cấp đan quyện, gắn bó chặt chẽ với nhau đến mức người ta không thể dễ dàng mô tả riêng biệt, cũng chính vì thế mà Ấn Độ giáo khó truyền bá đến các xã hội khác. Thế nhưng đến nay, Ấn Độ giáo vẫn có khoảng 900 triệu tín đồ chủ yếu ở Ấn Độ, Pakistan và ở nhiều nơi khác trên thế giới với số lượng ít. Trong Ấn Độ giáo, công lý sau cùng không phải thuộc về vị thần tối cao mà thông qua chu kỳ tái sinh theo luật nhân quả. Mọi hành động của con người đều dẫn đến kết quả tinh thần trực tiếp, đó chính là nghiệp chướng (karma), đời sống chính đáng khiến cho tinh thần được hoàn thiện, ngược lại sẽ làm cho tinh thần suy đồi. Trạng thái cực lạc (nirvana) là sự hoàn thiện tinh thần trong đó linh hồn được sẵn sàng cho việc tái sinh một cách hoàn hảo.
* Phật giáo: cũng có nguồn gốc từ Ấn Độ và khởi nguồn khoảng 500 năm trước Công nguyên. Tôn giáo này có nhiều phương diện giống với Ấn Độ giáo nhưng gắn với cuộc đời của người sáng lập - Thích Ca Mâu Ni (Siddartha Gautama). Tín đồ của Phật giáo hiện có khoảng 376 triệu, chủ yếu tập trung ở Tiểu lục địa Ấn Độ, Bắc Á và Đông Nam Á. Sau nhiều năm chu du và thiền định, Thích Ca Mâu Ni đạt đến trạng thái giác ngộ (bodhi), hiểu được bản chất của đời sống và trở thành Phật. Giống như Ấn Độ giáo, Phật giáo cho rằng có kiếp luân hồi, mọi hành động của con người đều có kết quả tinh thần và hoặc là thiện (dẫn đến sự hoàn thiện tinh thần), hoặc là ác (dẫn đến sự suy đồi tinh thần), vũ trụ mang tính đạo đức, có trật tự mà không có vị thần tối cao thực hiện công lý cuối cùng (hay nói cách khác toàn thể Vũ trụ đều là Chân như của Phật tính - Pháp thân của Phật khắp mọi nơi - điều này trùng với cái gọi là Đấng Tối Cao - Thiên Chúa trong niềm tin của tín hữu Thiên Chúa giáo). Mọi sự tồn tại của con người đều là khổ đau và muốn đạt đến sự bình an về tinh thần, Phật giáo phủ nhận mọi hình thức vui thú vật chất, thủ tiêu các ham muốn vật chất hay thể xác. Phật giáo cũng là tôn giáo đầu tiên đưa ra hệ thống phẩm cấp tu hành[12].
* Khổng giáo: hình thành ở Trung Quốc và do Khổng Tử (551 - 479 trước Công nguyên) sáng lập. Có ít nguồn số liệu thống kê về các tín đồ Khổng giáo nhưng ước tính có hơn 150 triệu người là tín đồ của tôn giáo này và số người chịu ảnh hưởng còn nhiều hơn nữa [13] chủ yếu tập trung ở Trung Quốc, Đông Bắc Á, Việt Nam, Singapore. Cũng như Phật giáo, Khổng giáo quan tâm sâu sắc đến những đau khổ trên thế giới nhưng phương cách cứu rỗi, thay vì thủ tiêu ham muốn, là sống theo những nguyên tắc cụ thể về hạnh kiểm, đạo đức. Khổng giáo đề cao nhân tính (jen), đạo đức luôn có vị trí cao hơn tư lợi, đạo đức của cá nhân tạo ra gia đình vững chắc và gia đình vững chắc trở thành nền tảng của xã hội vững mạnh. Không giống nhiều tôn giáo khác, Khổng giáo không hướng con người vào tương lai mà hướng vào đời sống thực tại một cách có đạo đức trong xã hội có kỷ cương, trật tự. Trong Khổng giáo, không có khái niệm rõ ràng về sự thiêng liêng, người ta có thể cho rằng Khổng giáo xét cho cùng không phải là tôn giáo mà đúng ra ra là nghiên cứu lịch sử Trung Hoa có kỷ cương...Nhưng cũng có điểm giống với tôn giáo là tập hợp niềm tin và hành lễ phấn đấu đạt cái thiện và tạo ra sự đoàn kết xã hội[14].
* Do Thái giáo: cũng hình thành ở vùng Trung Đông như Hồi giáo và Kitô giáo vào thời kỳ Đồ Sắt (khoảng 2000 năm trước Công nguyên). Mặc dù chỉ có khoảng 14 triệu tín đồ, chủ yếu ở Israel, Mỹ và châu Âu nhưng Do Thái giáo là một tôn giáo quan trọng vì đã tạo nền tảng lịch sử cho sự hình thành của Kitô giáo và Hồi giáo. Do Thái giáo do Abraham, tổ tiên và là nhà tiên tri của người Do Thái sáng lập. Do Thái giáo cũng theo thuyết độc thần, chỉ công nhận một mình Đức Chúa toàn năng. Điểm khác biệt của Do Thái giáo là mối quan hệ đặc biệt với Chúa, qua đó người Do Thái là "dân tộc được chọn" thông qua Giao ước (covenant). Giao ước được thể hiện dưới dạng như pháp luật và tập trung vào Mười điều răn Chúa tiết lộ cho Moses, nhà tiên tri đã dẫn dắt dân tộc Do Thái ra khỏi Ai Cập. Do Thái giáo coi năm quyển đầu tiên của bộ kinh mà đối với người Kitô giáo chính là kinh Cựu ước là Thánh thư - lịch sử cũng như pháp luật của mình. Do Thái giáo cũng không hướng đến thế giới bên kia mà xem quá khứ là nguồn hướng dẫn hiện tại và tương lai. Người Do Thái phục tùng ý Chúa bằng cách thực hiện đầy đủ tinh thần cũng như lời văn của Thánh thư thì một ngày kia, Chúa sẽ phái sứ giả mang thiên đàng xuống trái đất.
Những điểm khác nhau giữa các tôn giáo
Những tôn giáo khác nhau có nhiều điểm bất đồng về các khái niệm trên, cũng như về phong tục của các tín đồ. Thí dụ:
Số thần thánh
* Những tôn giáo độc thần chỉ tin vào một thần thánh, khác biệt với thiên nhiên. Trong những tôn giáo này có Đạo Do Thái, Đạo Sikh, Kitô giáo, Hồi giáo, và Đạo Bahá'í.
o Nhiều tín đồ Kitô giáo tin vào thuyết Ba Ngôi, nói rằng có một thần với ba thể. (Hầu hết các nhánh trong Kitô giáo tin vào điều này, trừ một vài nhánh nhỏ như các nhóm Chứng nhân Giêhôva, Phái Montanus, Phái Sabellius.)
o Một số giáo phái cuả Ấn Độ Giáo hay thường bị gọi nhầm là theo luận độc thần, nhưng thật sự là thuộc về Toàn thần.
o Các tôn giáo đơn nhất thần tin rằng có nhiều thần thánh với nhiều tính chất khác nhau, nhưng chỉ có một thần là cao hơn hết. Trong các tôn giáo này gồm có những nhánh của Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo (đặc biệt là hai nhánh Siva và Vishnu), và Đạo Do Thái tin vào thiên thần, quỷ thần, deva (chư thiên), asura (atula, phi thiên), hay các thần thánh khác trong đó có một thần cao hơn hết, cũng như một số tín ngưỡng về vạn vật hữu linh như ở châu Phi;
* Những tôn giáo đa thần như Tôn giáo Hy Lạp - La Mã tin tưởng vào nhiều thần thánh;
* Những tôn giáo phiếm thần, "thiên nhiên" tin rằng mọi vật trong thiên nhiên điều liên quan đến nhau và không thể tách rời nhau. Những tôn giáo này gồm có: những trường phái phiếm thần của nhánh Shiva và Vishnu trong Ấn Độ giáo, Thần đạo của Nhật Bản, và một vài tín ngưỡng về vạn vật hữu linh.
* Những tôn giáo không thần (như Đạo Phật, Nho giáo) không nói gì về sự hiện hữu hay không hiện hữu của thần thánh;
* Những tôn giáo vô thần (như Đạo Jain và nhân văn thế tục) không tin tưởng vào thần thánh nào;
* Những người bất khả tri thường nói rằng họ không biết được số thần thánh là không, một, hay nhiều.
Giới tính thần thánh
* Một số tín đồ cho rằng thần thánh của họ không có giới tính, có cả tính chất nam lẫn nữ;
* Một số tín đồ cho rằng thần thánh của họ không có giới tính, nhưng có nhiều tính chất nam.
* Một số tín đồ khác cho rằng thần thánh của họ không có giới tính, nhưng có nhiều tính chất nữ.
* Một số tôn giáo giáo cho rằng thần thánh của họ là nam hoặc nữ, như trong các tôn giáo thần thoại truyền thống.
Nguồn kinh sách
* Các văn bản thiêng liêng cung cấp căn cứ cho các tín đồ xem các văn bản đó có thẩm quyền, được linh truyền, linh hứng và/hoặc không thể sai lầm. Thí dụ như kinh Coran, kinh Vệ Đà, kinh Aqdas (Kitáb-i-Aqdas) và Kinh thánh;
* Các nhà tiên tri cung cấp căn cứ cho các tín đồ xem những người tiên tri đó có khả năng thông hiểu đặc biệt hoặc có khả năng tương giao cá nhân trực tiếp với đấng thiêng liêng. Thí dụ như Giêsu, Môsê, Bahá'u'lláh và Môhamét;
* Khoa học và lý trí cung cấp căn cứ cho các tín đồ xem khoa học và lý trí có khả năng trả lời cho nhiều nghi vấn nền tảng của tôn giáo. Thí dụ như chủ nghĩa Nhân bản thế tục và thuyết Vô thần;
* Truyền thống cung cấp căn cứ cho các tín đồ xem tập quán của tổ tiên là đặc biệt quan trọng và là nguồn cội của chân lý thiêng liêng. Thí dụ như Saman giáo (vu ngưỡng) và một số khía cạnh của Thần đạo;
* Kinh nghiệm cá nhân cung cấp căn cứ cho các tín đồ tin rằng họ có tiếp xúc cá nhân trực tiếp với Thượng đế hay thần thánh, hoặc một sự kiện cụ thể nào đó có tầm quan trọng đối với họ về mặt tôn giáo.
Cấu trúc tổ chức
* Những tôn giáo có tổ chức trung ương thành lập một tổ chức có cơ cấu nhằm để phát triển và giữ gìn sự trong sạch của niềm tin và giúp đỡ tín đồ sống theo đạo. Những tôn giáo này gồm có Giáo hội Công giáo Rôma, Hồi giáo lúc ban đầu và Đạo Do Thái theo phái Chasidut;
* Những tôn giáo không có tổ chức trung ương thường phát triển độc lập với nhau, cho nên các niềm tin và phong tục rất phong phú. Những tôn giáo này gồm có Ấn Độ giáo, các thần thoại của các nước Hy Lạp và Ai Cập cổ và các đạo ngẫu tượng mới như Wicca hay Ásatrú.
Đạo lý
* Những tôn giáo có căn cứ trong cách ăn ở chú trọng trong việc tham gia trong các tục lệ, lễ nghi và thái độ của các tín đồ. Những tôn giáo này có đạo Do Thái theo phái Chasidut và nhiều truyền thống hữu linh.
* Những tôn giáo có triết lý tinh thần chú trọng vào các điều dạy thực hành để dẫn đến hạnh phúc trong đời và ít quan tâm về những việc siêu phàm hơn. Thí dụ: đạo Phật, đạo Lão và đạo Khổng (Nho giáo). Một số tôn giáo khác như Ấn Độ giáo chú trọng những điều này nhưng vẫn tin tưởng vào một thần thánh tối cao trong nhiều hình thể.
* Những tôn giáo có căn cứ vào quan hệ chú trọng việc giữ gìn mối quan hệ đúng đắn với thần thánh, có thể bằng quan hệ cá nhân (như đạo Tin lành), bằng cách tuân theo các ý định của thần thánh (như Hồi giáo) hay bằng cách sám hối và tha thứ tội lỗi (như Kitô giáo truyền thống).
(Cũng nên nhắc rằng hầu hết các tôn giáo có đạo lý từ nhiều căn cứ, nhưng có căn cứ được chú trọng hơn những căn cứ khác)
Sau khi chết
* Ấn Độ giáo tin rằng loài người sẽ mãi mãi đầu thai cho đến khi họ đến trạng thái giải thoát (Moksha), được hợp nhất với thần (Vishnu hay Shiva) và họ tin vào thuyết quả báo; vì thế, đạo này không tin vào việc bị đọa đày vĩnh viễn sau khi chết vì chúng ta có cơ hội chuộc tội trong các kiếp sau cho đến khi được giải thoát. Tuy thế, nhiều tín đồ tin rằng có một nơi trời trừng trị những kẻ ác trước khi được đầu thai.
* Đạo Phật theo phái Nam Tông cho rằng nghiệp của một người được tái sinh cho đến khi họ đến cõi Niết bàn, cho nên ta không nên đầu thai; phái Đại Thừa thì gần với Ấn Độ giáo hơn trong các tín ngưỡng về đầu thai. Tuy thế, nhận thức về Niết bàn của đạo Phật và giải thoát của Ấn Độ giáo không tương đương với nhau vì Niết bàn là một trạng thái không tồn tại và không chú trọng vào một thần thánh cao siêu.
* Kitô giáo và Hồi giáo có khái niệm Thiên đàng và Địa ngục, và Chúa trời là người định đoạt số phận vĩnh cửu của chúng ta. Trừ điều này, các đạo này có nhiều khái niệm khác nhau.
o Công giáo tin rằng mỗi người sẽ được cứu vớt bằng cách đặt niềm tin vào Chúa trời, nhưng vẫn bị trừng phạt cho những tội lỗi trên đời chưa sám hối sau khi chết, nhưng sau đó được làm sạch tại nơi chuộc tội.
o Đạo Tin lành truyền thống tin rằng mỗi người sẽ được cứu vớt bằng cách đặt niềm tin vào khả năng cứu vớt của cái chết và phục sinh của chúa Giêsu.
o Một số tín đồ Kitô giáo khác tin rằng mỗi người tự chọn thiên đàng và địa ngục riêng của họ: nếu một người chọn sống trong một "địa ngục trần gian", họ sẽ tiếp tục chọn điều đó sau khi chết, Chúa trời sẽ cho họ toại nguyện: bị xa cách Chúa trời và niềm hạnh phúc. Ngược lại, những người mưu cầu "thiên đàng tại trần gian" sẽ tiếp tục mưu cầu thiên đàng sau khi chết, Chúa trời cũng sẽ cho họ toại nguyện: gần gũi với Chúa trời và hạnh phúc. Xem The Great Divorce của C.S. Lewis.
o Dưới hầu hết các tín ngưỡng truyền thống của Hồi giáo, Chúa trời xét xử chúng ta trong việc trung thành với năm cột trụ của Hồi giáo, trong đó có việc công nhận Chúa trời, Môhamét, và sống theo các điều lệ của Chúa trời về Công lý, Tín ngưỡng, và Từ bi, và thưởng chúng ta tùy theo các việc ta làm trên thế gian.
* Đạo Do Thái không nói gì về sau khi chết.
* Đạo Bahá'í tin rằng linh hồn của một người sẽ được đến cõi linh hồn của Chúa trời sau khi chết cho đến khi nó gặp Chúa trời.
* Đạo Rastafari tin vào bất tử vật chất. Một khi thần Haile Selassie gọi họ về châu Phi để phán xét, họ sẽ được sống mãi mãi với Ngài trong thân thể của họ trong thế giới này.
* Chứng nhân Giêhôva tin rằng cho đến ngày tận thế, những người chết đang trong trạng thái ngủ, không nghe được lời cầu nguyện hay can thiệp vào các chuyện trên đời. Sau khi Satan bị bịt kín sau ngày tận thế, 144.000 người được chọn sẽ lên thiên đàng để thống trị với chúa Giêsu. Mọi người khác sẽ được phục sinh và được trường sinh bất tử trong thiên đàng trên trái đất. Sau 1000 năm, Satan sẽ được thả ra và được phép cám dỗ loài người một lần nữa. Những người bị cám dỗ vào tội lỗi sẽ bị chết vĩnh viễn với Satan, và Giêhôva sẽ trở thành người thống trị mới.
Tư tưởng về những người khác tín ngưỡng
Nhà thờ đạo Cao Đài tại Tây Ninh, Việt Nam
Các tín đồ của các tôn giáo phải đối mặt với nhiều tư tưởng, nghi thức, tập quán của các tôn giáo khác và họ có nhiều các giải quyết khác nhau.
* Những người có tư tưởng bài ngoại cho rằng các tôn giáo khác đều sai lầm, là tà giáo hoặc bị sai lạc. Những người cực đoan như vậy đôi lúc gây ra những căng thẳng thậm chí dẫn đến xung đột với tín đồ của các tôn giáo khác.
* Những người có tín ngưỡng bao hàm nhận thức rằng mọi hệ thống tín ngưỡng đều có điều đúng cả, họ coi trọng các điểm giống với tôn giáo của mình và xem nhẹ các điểm khác biệt, thế nhưng luôn coi tín ngưỡng mà họ tin theo là cao hơn hết.
* Những người có tín ngưỡng đa nguyên không có thành kiến với các tôn giáo khác, xem mỗi tôn giáo đều phù hợp với những nền văn hóa mà trong đó nó tồn tại.
* Những người có tín ngưỡng hỗn hợp thường pha trộn các quan điểm từ nhiều tôn giáo hay tín ngưỡng khác nhau thành một tôn giáo mới để thể hiện đức tin, kinh nghiệm của họ. Đạo Cao Đài là một tôn giáo như thế.
* Trường hợp đặc biệt: người thực sự hiểu được bản chất tối hậu của các tôn giáo thì cho rằng các tôn giáo đều không tồn tại, mà chúng chỉ là phản ảnh của đầu óc và khái niệm của loài người. Do đó, những người như thế có thể sống với thực tại cuối cùng (thống nhất mọi niềm tin và tôn giáo của loài người làm một)
Tôn giáo và khoa học
Quan điểm về tôn giáo và khoa học có thể đi từ thái cực cái nọ phủ nhận cái kia cho đến dung hòa hơn. Ở thái cực này, một số người cho rằng những hiểu biết tôn giáo có thể trả lời mọi câu hỏi liên quan đến vũ trụ và đời sống con người. Ở thái cực khác một số người lại cho rằng những hiểu biết tôn giáo là mê tín, phi lý, hoang đường, chỉ có khoa học mới đưa ra được câu trả lời đúng đắn. Ở giữa hai thái cực, có quan điểm coi tôn giáo và khoa học dùng các phương pháp, hay nói đúng hơn, trả lời cho các câu hỏi khác nhau để tìm đến Chân lý và kiến thức đồng thời bổ sung cho nhau. Tôn giáo dùng những phương pháp dựa theo sự hiểu biết chủ quan của trực giác cá nhân và kinh nghiệm và/hoặc căn cứ vào chức trách của các kinh sách hay người được xem là tiên tri. Khoa học, trái lại, dùng phương pháp khoa học, một quá trình khách quan để điều tra nghiên cứu dựa theo chứng cớ vật chất, dùng các hiện tượng có thể quan sát và xác minh được. Tương tự, có hai loại câu hỏi mà tôn giáo và khoa học cố gắng trả lời: những câu hỏi về các hiện tượng có thể quan sát và xác minh được (như các luật vật lý, hay cách hành xử của con người) và những câu hỏi về các hiện tượng không thể quan sát được và việc đánh giá về giá trị, ý nghĩa, mục đích (như làm sao có các luật vật lý, thế nào là "thiện" và "ác"). Quan điểm này có thể được minh họa bằng những lời Hồng y Barberini[15] đã từng nói với Galileo: "Anh dạy cho mọi người biết bầu trời di chuyển như thế nào; còn chúng tôi dạy cho mọi người biết cách lên trời"[16]. Nói cách khác, thế giới này hoạt động ra sao là vấn đề khoa học, nhưng tại sao chúng ta và phần vũ trụ còn lại nói chung lại tồn tại là vấn đề khoa học không sao giải thích được.[17]
Trong khi nhiều nhà khoa học mang niềm tin tôn giáo, theo quan điểm hòa hợp giữa tôn giáo và khoa học thì có lúc cả hai đã xung đột với nhau. Galileo đã bị giáo hội bắt từ bỏ Thuyết Nhật tâm hay cuộc tranh luận về sự tạo thành sau khi Charles Darwin đưa ra Thuyết Tiến hóa là những ví dụ.
Trên thực tế, cho đến ngày nay, khoa học và tôn giáo vẫn cùng tồn tại, một số niềm tin tôn giáo có thể mờ nhạt đi và được thay thế bởi khoa học nhưng nhiều tôn giáo mới cũng đã và đang xuất hiện, đặc biệt là trong những xã hội hiện đại nơi mà nhiều người cho rằng chủ nghĩa tiêu thụ đang chiếm ưu thế và đạo đức suy đồi.
[sửa] Tôn giáo và chính trị
Trong lịch sử, tôn giáo thường đi song song với chính trị. Các hoàng đế Trung Quốc lấy căn cứ quyền của họ từ Thiên mệnh (天命). Giáo hội Công giáo Rôma đã thống trị phần lớn châu Âu cho đến cuộc Cải cách Tin lành. Đến Thời đại Ánh sáng vào thế kỷ 18 tại châu Âu, nhiều triết gia tin vào việc cách ly tôn giáo và nhà nước. Hiện nay tôn giáo đóng nhiều vai trò khác nhau tại nhiều nơi trên thế giới:
* Tôn giáo cách ly: tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada và Pháp, hiến pháp cách ly tôn giáo và nhà nước. Các quốc gia này thường cho phép người dân tự do tín ngưỡng, nhưng không công nhận bất cứ tôn giáo nào để khỏi bị xem là thiên vị.
* Quốc giáo: Một số quốc gia có một quốc giáo, một tôn giáo được nhà nước công nhận là chính thức và nhận thuế từ dân, tuy nhiên người dân vẫn được phép tự do tín ngưỡng. Trong các nước này gồm có một số nước Hồi giáo, Công giáo và những nước như Thái Lan (Phật giáo), Anh (Anh giáo). Tuy nhiên, các viên chức quốc giáo không có địa vị quan trọng trong chính quyền, trừ quốc trưởng.
* Thần quyền: Tại một số quốc gia, điển hình là Iran và Tòa thánh Vatican, tôn giáo và chính quyền là một. Các viên chức quan trọng trong tôn giáo cũng là viên chức trong chính quyền.
Thần học giải phóng
Thần học giải phóng bắt đầu hình thành vào cuối thập niên 1960 trong Giáo hội Công giáo La Mã ở Mỹ Latin. Thuyết thần học này đưa ra quan điểm mới là giáo hội có trách nhiệm giúp đỡ con người tự giải phóng cho chính mình khỏi sự đói nghèo và bất công đang xảy ra và đặc biệt phổ biến trong các nước Thế giới thứ ba. Những luận điểm chính của thần học giải phóng tán thành sự nhấn mạnh của Karl Marx về bất công xã hội:
* Sự đau khổ của con người có thể nhận thức được một cách rõ ràng khi mà trên toàn thế giới, 80% dân số chỉ sống bằng 20% số của cải. Kết quả là trong 80% dân số ấy tình trạng thiếu ăn, bệnh tật, tỷ lệ tử vong cao tràn lan.
* Sự đau khổ của con người với quy mô và mức độ như thế mâu thuẫn với nguyên tắc đạo đức của Kitô giáo và trái với cái nhìn của Chúa đối với loài người về sự thương yêu đồng loại và mục tiêu hợp nhất toàn bộ nhân loại.
* Để bày tỏ đức tin cũng như lương tâm, các tín đồ phải hành động để làm giảm bớt sự đau khổ ấy. Phương tiện để làm điều đó là là những phát biểu có hệ thống và thường đòi hỏi hành động chính trị kèm theo.
Số lượng tín đồ liên minh với người nghèo trong các hành động đấu tranh chính trị ngày càng gia tăng và có lúc đã dẫn đến một số thành viên của giáo hội bị giết chết trong khung cảnh bạo lực bao trùm. Năm 1980, Oscar Arnulfo Romero, tổng giám mục San Salvador (thủ đô El Salvador), bị bắn gục trong nhà thờ trong khi đang làm lễ mass. Từ đó về sau, nhiều lãnh tụ khác trong giáo hội cũng chịu số phận tương tự. Vatican cũng phản kháng đối với thần học giải phóng vì cho rằng nó dẫn đến nguy cơ lôi kéo giáo hội vào tranh chấp chính trị cũng như xa rời những quan tâm của Kitô giáo về thế giới bên kia.
xem thêm: Sự kiện Phật Đản 1963
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét