Nguyễn Việt Hà
Một câu hỏi lớn không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau
(Huy Cận)
Theo từ điển thì khái niệm đàn bà là tương đối đơn giản. Từ điển ở Ta cho rằng, đấy là nữ giới nói chung và phải là những người đã trưởng thành. Từ điển ở Tây cũng hao hao như vậy, cuốn Petit Larousse đầy uy tín của người Pháp giải nghĩa. (Xin chép nguyên văn bằng tiếng ănglê, thứ tiếng mà rất nhiều đàn bà Việt đương đại vừa mê vừa thích vừa thành thạo).
1. A female human being - Distinguished from man. Đại loại, đàn bà là sinh vật giống cái cốt để phân biệt với nam giới.
2. An adult female human being - Distinguished from girl. Đại khái vẫn là sinh vật giống cái, cốt để phân biệt với đám lóc nhóc thiếu nữ.
Nghĩa một thì dễ hiểu quá rồi, còn nghĩa hai hơi mang tính cơi nới nhưng kha khá nghiêm ngặt. Nếu tuân thủ theo đúng nghĩa (2) thì đàn bà không có ở tuổi teen, và hiển nhiên sẽ không được phép mặc đồng phục trung học vào nhà nghỉ.
Bọn họ vẫn có thể mang vẻ ngây thơ nhưng không thể cùng một lúc nhuộm tóc hai màu xanh đỏ rồi nhí nhảnh kẹp ba phi xe đánh võng. Thêm nữa, quan chức đàn ông nếu nhỡ có thân thiết với đàn bà thì đạo đức mặc nhiên sẽ thăng hoa bởi không bao giờ mắc phải cái tội ngớ ngẩn, lạm dụng vị thành niên.
Từ điển học thuật rắc rối quá, dân gian quan niệm dịu dàng trong sáng hơn nhiều. Đàn bà đương nhiên chỉ giản dị hoặc là vất vả mẹ hoặc là tần tảo chị. Họ cũng có thể là cần mẫn vợ hoặc là bạc bẽo người tình. Họ đôi khi tài sắc vẹn toàn như Thuý Kiều, lại có lúc thỉnh thoảng xấu xí ít học như thị Nở.
Có người trong trắng thuỷ chung như tiểu thư Juliet trong kịch Shakespeare, lại có người dâm loạn điêu trác như Mã phu nhân trong trường thiên kiếm hiệp “Thiên long bát bộ”. Có người là chót vót “phụ nữ của năm” như diễn viên chơi vơi Đỗ Hải Yến, lại có người là tột cùng tội phạm quốc gia như nữ lưu manh Phúc “bồ”. Nói chung, đàn bà giống như thơ, bởi có bao nhiêu người làm thơ là có bấy nhiêu định nghĩa.
Vì thế, nếu phải miễn cưỡng rốt ráo định nghĩa đàn bà thì vẫn đành dựa vào các trước tác kinh điển. Theo Kinh Thánh, sau khi đã sáng tạo ra mọi loài, Thiên Chúa phát chán bèn rút xương sườn của “đàn ông nông nổi giếng khơi” để rồi làm ra một thứ “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”.
Chắc là xót xa đau quá nên đàn ông đã hốt hoảng cảm thán “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi, người này sẽ được gọi là đàn bà vì đã được lấy ra bởi đàn ông”. (Sách Sáng thế 2; 23). Về sau, đàn bà bị con rắn quyến rũ xui nuốt táo, phạm vào tội lê la ăn quà vặt nên Thiên Chúa đã mặc định bọn họ “Ta sẽ làm cho mày chịu nhiều đau khổ lúc thai nghén. Mày sẽ phải đau đớn khi sinh con, mày sẽ phải quỵ luỵ chồng mày và chồng mày sẽ làm chủ mày”.
Kinh Cựu ước được nhiều học giả lắm bằng ở ta cho là quá mang quan điểm thành kiến phương Tây. Ở phương Đông, kinh Phật của người Việt do minh quân thiền sư Trần Thái Tông khởi tác mang quan niệm về đàn bà có vẻ hay hơn. “Lưng ong tóc mượt hay khiến tính hoặc tâm mê. Sắc én mày ngài đưa đến hồn xiêu phách lạc.
Kẻ mê say đoạn nghĩa thầy bạn, kẻ tham đắm đức mất đạo tan. Vậy có kệ rằng: Mặt trắng môi son điểm phấn đào. Long lanh đưa mắt gây lao đao. Chẳng qua một túi da nhơ bẩn. Cắt đứt ruột người không cần dao”. (Khoá hư lục - Văn giới sắc). Hình như hai quan niệm kể trên bị nhiều đàn bà hiện đại nhăn nhó không thích. Thôi đành dẫn Khổng Tử, một bậc Thánh của đạo Trung Dung.
“Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vị nan dưỡng dã. Cận chi tắc bất tốn, viễn dữ tắc oán” (Luận ngữ, thiên Dương Hoá). Nôm na ý của cụ Khổng là, đàn bà với tiểu nhân khó nuôi lắm. Ở gần thì bọn họ nhờn, ở xa thì họ oán. Có phải thế chăng mà rất đông nho sĩ thường để móng tay lá lan thật dài, chắc họ cẩn thận đề phòng những khi bắt buộc phải vuốt ve vợ.
Thế nhưng nói cho cùng, thì ở phía trong thăm thẳm sâu xa của đạo Thiên Chúa, đạo Phật hay đạo Nho, luôn đẫm đầy trân trọng tính nữ. Trên cuộc đời có nhiều cay đắng phiền muộn này, còn gì thiêng liêng trinh bạch hơn được Đức Mẹ Maria, còn gì từ bi cao cả hơn Đức Phật bà Quan thế âm bồ tát cứu khổ cứu nạn.
Và đã biết bao nhiêu thế hệ nhà Nho rưng rưng tâm phục khẩu phục khi chợt nhắc đến bà Mạnh mẫu, người mẹ tần tảo nghiêm khắc hết mực yêu con của á Thánh Mạnh Tử. Có thể nói, tất cả những giá trị đậm đặc tinh hoa nhất của đàn bà đều thăng hoa đọng lại trong hai từ vĩ đại “người mẹ”.
Chẳng cần biết đàn bà có thể tệ đến đâu, chỉ cần họ trưởng thành làm mẹ là lập tức cái nhân loại khốn khổ này được cứu rỗi. Bởi cái đám đàn ông quen chật hẹp đố kỵ khoe khôn soi mói kia, có thể không có chị, có thể không có vợ, có thể không có bồ nhí nhưng vĩnh viễn chưa bao giờ bọn họ lại không có hiền mẫu. Chính ở đây, câu hỏi tưởng hoành tráng, “đàn bà là gì?”, bỗng rơi rụng thành vớ vẩn.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày quốc tế phụ nữ mùng 8/3 lại được tất thẩy đàn ông, kể cả những tay đã bất hạnh ly hôn hay bị người tình bán rẻ, luôn nghẹn ngào nức nở giữ gìn.
.
Theo Tạp chí Đẹp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét